Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (United Nations Office on Drugs and Crime, hay UNODC) cung cấp các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật để giúp các quốc gia chống lại tội phạm động, thực vật hoang dã. Các hoạt động được thực hiện trên toàn thế giới, ở các quốc gia phân bố, trung chuyển và tiêu thụ của động, thực vật hoang dã. Cụ thể, UNODC hỗ trợ việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong nước; cung cấp đào tạo chuyên môn và trang thiết bị cho kiểm lâm, công an, hải quan, các công tố viên, điều tra viên, thẩm phán và quan tòa, kể cả việc đưa cố vấn vào các đơn vị đặc nhiệm; tăng cường cơ chế kiểm soát việc vận chuyển hàng hải quốc tế tại các cảng lớn; xây dựng năng lực để phân tích pháp y tại các nước có động, thực vật hoang dã bị ảnh hưởng; phát triển các chiến lược để ngăn chặn tội phạm động, thực vật hoang dã bao gồm hỗ trợ quyền lợi người dân, nâng cao nhận thức và trao quyền cho người dân; cung cấp sinh kế thay thế cho các cộng đồng bị ảnh hưởng; và hỗ trợ hợp tác quốc tế giữa các cơ quan thực thi pháp luật.

Chỉ tính riêng trong năm 2015, UNODC đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 800 cán bộ thực thi luật pháp và chuyên gia tư pháp hình sự; chuyển giao thiết bị tình báo cho nhiều lực lượng cảnh sát và các đơn vị chống tội phạm động, thực vật hoang dã; hỗ trợ rà soát các bộ luật, luật hình sự của một số quốc gia và nỗ lực giải quyết vấn đề rửa tiền và tham nhũng có liên quan đến tội phạm động, thực vật hoang dã. Công việc này vẫn tiếp tục cho đến nay.

UNODC, cùng với các đối tác từ Hiệp hội quốc tế Phòng chống Tội phạm về các Loài Hoang dã và Rừng (International Consortium on Combating Wildlife and Forest Crime hay ICCWC), đã xây dựng một số công cụ và hướng dẫn sử dụng để giúp giải quyết vấn đề buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã, bao gồm Bộ công cụ Phân tích Tội phạm Động, thực vật Hoang dã và Tội phạm Rừng của ICCWC, Hướng dẫn về Phương pháp, quy trình lấy mẫu Ngà voi và Phân tích trong phòng thí nghiệm, và các Hướng dẫn Thực hành cho xác định loại Gỗ.

UNODC hợp tác với một loạt các đối tác bao gồm ICCWC, các chương trình và cơ quan của LHQ, các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, và các tổ chức và mạng lưới khu vực để đảm bảo rằng các đối tượng phạm tội về động, thực vật hoang dã bị bắt giữ và truy tố.