Công ước về Buôn bán quốc tế Các loài Động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp (Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora hay CITES) là một thỏa thuận quốc tế ràng buộc pháp lý giữa 182 bên (181 quốc gia và Liên minh Châu Âu). Thỏa thuận này lập ra các quy tắc quốc tế về buôn bán động, thực vật hoang dã. Công ước CITES được ký kết vào ngày 3 tháng Ba năm 1973 và vào năm 2013, Đại hội đồng LHQ đã chọn ngày 3 tháng Ba là Ngày Động, thực vật Hoang dã Thế giới của LHQ .

CITES là thỏa thuận quốc tế về bảo tồn loài hoang dã đầu tiên có hiệu lực vào năm 1975, và hơn 40 năm sau nó vẫn là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất trên thế giới đối với vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học. Ngày nay, CITES đưa ra các văn bản hướng dẫn việc quản lý các hoạt động buôn bán quốc tế cho hơn 35.000 loài thực vật và động vật, bao gồm cả các sản phẩm được làm và có nguồn gốc từ chúng, nhằm đảm bảo sự sống còn của những loài này trong tự nhiên và đem lại lợi ích cho sinh kế của người dân địa phương và môi trường toàn cầu.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Rio+20 năm 2012, CITES được mô tả như là một Công ước quan trọng đứng giữa và ảnh hưởng đến các lãnh vực buôn bán, môi trường và phát triển. Vào năm 2015, Đại Hội đồng LHQ công nhận rằng CITES đã cung cấp một khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý các hoạt động buôn bán hợp pháp cũng như giải quyết nạn buôn bán bất hợp pháp động, thực vật hoang dã.

CITES là một công ước mang tính tập trung, định hướng hành động để giải quyết nạn buôn bán bất hợp pháp động, thực vật hoang dã thông qua ba phương thức can thiệp chính: thực thi luật pháp, tạo sinh kế và giảm nhu cầu tiêu thụ. Cả ba vấn đề này đang được ưu tiên trên chương trình nghị sự của cuộc họp lần thứ 17 của Hội nghị Các nước thành viên Công ước CITES (CoP17) được tổ chức tại Johannesburg vào cuối năm 2016.

Ban Thư ký CITES làm việc với các đối tác trên toàn cầu thuộc Hiệp hội Quốc tế Phòng chống Tội phạm về các Loài hoang dã (ICCWC) để phối hợp và hỗ trợ cho các nước ở cấp quốc gia và khu vực trong việc giải quyết nạn buôn bán bất hợp pháp động, thực vật hoang dã; cũng như làm việc với LHQ và nhiều đối tác liên chính phủ và phi chính phủ khác trong việc hỗ trợ sinh kế và giảm nhu cầu tiêu thụ.

Các Kế hoạch Hành động Quốc gia về Ngà voi (National Ivory Action Plans hay NIAP) được xây dựng dựa trên quy định Công ước CITES là một ví dụ điển hình của các hành động cụ thể được thực hiện để giúp các loài tránh khỏi các tác động tiêu cực. Các kế hoạch NIAP này buộc các quốc gia chủ chốt trong toàn bộ chuỗi cung ứng bất hợp pháp có liên quan đến hoạt động buôn bán trái phép ngà voi phải thực hiện các biện pháp rõ ràng, có thời hạn để giải quyết vấn nạn này, bao gồm việc xây dựng, thông qua và thực thi pháp luật cũng như nâng cao ý thức cộng đồng.

Chúng tôi rất vui mừng là có thể làm việc với các đối tác LHQ của trong chiến dịch đầu tiên của LHQ chống lại nạn buôn bán động, thực vật hoang dã bất hợp pháp.