Hỏi & Đáp cùng Người bảo vệ của UNEP (Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc) đối với các Khu vực bảo tồn, Kristine Tompkins và Đại dương, Lewis Pugh

Theo đánh giá mới nhất của Nền tảng Chính sách và Khoa học liên Chính phủ về Đa dạng Sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái, 75% diện tích đất liền, 66% diện tích đại dương và 85% diện tích đất ngập nước trên hành tinh của chúng ta đang phải hứng chịu những tác động tiêu cực từ hoạt động của con người. Các báo cáo của Liên hợp quốc cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về cuộc khủng hoảng khí hậu và điểm bùng phát – ngưỡng tới hạn mà loài người không thể phục hồi khả năng cung cấp các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu hỗ trợ sự sống của hành tinh chúng ta.  

Với mục tiêu tuyên truyền kiến thức về cách thiên nhiên vận hành để cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho nhân loại, chiến dịch Wild for Life 2.0 của UNEP sẽ đưa người dùng bước vào hành trình tương tác để tìm hiểu về 4 hệ sinh thái riêng biệt: biển, đất than bùn, trảng cỏ và rừng – tại sao những hệ sinh thái này lại có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng cuộc sống của con người, tại sao hệ sinh thái bị đe dọa và cách chúng ta có thể giúp đỡ hệ sinh thái.

Trên hành trình này, các bạn sẽ có dịp được chiêm ngưỡng một hệ sinh thái tuyệt diệu và độc đáo, phân bố trên khắp hành tinh nhưng cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn lớn đối với nhiều người: Vùng đất than bùn. Hệ sinh thái có 1-0-2 này đã xuất hiện từ rất lâu trên Trái Đất, đóng vai trò như một nhà máy lọc nước ngọt, nuôi dưỡng các loài cây dược liệu, bảo vệ đất đai khỏi lũ lụt cũng như thu giữ và lưu trữ một lượng lớn khí cacbon. Tuy chỉ bao phủ 3% diện tích trên bề mặt hành tinh nhưng trên thực tế, các vùng đất than bùn lại lưu trữ lượng cacbon nhiều gấp hai lần so với tất cả các khu rừng trên thế giới cộng lại!

Bối cảnh của hành trình tương tác Wild for Life 2.0 được xây dựng dựa trên những vùng đất than bùn nổi tiếng thế giới như Vùng đất than bùn của Bán đảo Mitre ở South Cone, Nam Mỹ. Quần đảo Tierra del Fuego đại diện cho vùng cực Nam của vùng đất than bùn Magellan (đầm lầy than bùn). Đảo chính, Isla Grande de Tierra del Fuego, nằm phân cách giữa Chile ở phía Tây và Argentina ở phía Đông. Điều kiện khí hậu đại dương và hướng gió Tây Bắc là hai hình thái thời tiết chiếm ưu thế tại phía Nam Tierra del Fuego, nơi có địa hình chủ yếu là đồi núi trùng điệp trải dài từ Đông sang Tây.

Cả hai vị đều đã có cơ hội được đặt chân đến vùng đất vô cùng hẻo lánh và độc đáo này của thế giới. Cả hai cũng là những người bảo vệ tiên phong cho các khu vực bảo tồn và chăm sóc thiên nhiên để thiên nhiên có thể chăm sóc lại chính chúng ta. Bên cạnh hoạt động tại Tổ chức Tompkins và Lewis Pugh, hai vị còn là Người bảo vệ cho các Khu vực bảo tồn và Đại dương. Cảm ơn hai vị đã dành thời gian để chia sẻ những suy nghĩ của bản thân về lý do tại sao chúng ta cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ khu vực này.

UNEP: Thưa bà Kristine, bà đã bảo vệ và tái hoang dã hàng triệu héc ta đất than bùn tại Chile và Argentina. Cảm hứng ban đầu để bà thực hiện điều này là gì?  

Thực ra, vào năm 1992, chồng tôi, Douglas Tompkins đã nhận thức rõ ràng rằng chúng tôi có thể tham gia phong trào bảo tồn toàn cầu thông qua việc xây dựng những dự án bảo tồn công - tư, điều này đã dẫn đến sự ra đời của các vườn quốc gia mới tại Chile và Argentina.  Vậy nên, có thể nói rằng, chồng tôi chính là người đã truyền cảm hứng để tôi có thể xây dựng các khu bảo tồn vĩnh viễn quy mô lớn. Kể từ khi chúng tôi bắt đầu, Tompkins Conservation đã không ngừng tạo nên những vùng đất công viên mới và tái hoang dã các khu vực này tại cả hai quốc gia.

UNEP:  Thưa ông Lewis, ông là người bảo vệ của các khu bảo tồn biển ở Vùng địa cực. Tại sao ông có thể đánh cược cả mạng sống của mình cho hoạt động này?

Tôi đã dành hơn 30 năm để bơi khắp các đại dương và quan sát thấy sự thay đổi vô cùng rõ rệt tại đây. Những thay đổi lớn nhất là ở Vùng địa cực, nơi tôi đã chứng kiến hiện tượng biển ấm lên, sông băng rút đi, băng vĩnh cửu tan chảy và băng biển dần biến mất. Những thay đổi này sẽ có tác động đến mỗi con người và toàn bộ vương quốc động vật. Biến đổi khí hậu sẽ gia tăng nhanh chóng nếu chúng ta không bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng như vùng đất than bùn, nơi thu giữ rất nhiều khí cacbon. Tôi không thể chỉ đứng yên và để mọi thứ diễn ra trong im lặng.

UNEP: Điều gì đã khiến ông bà biết đến và yêu mến những vùng đất xa xôi này? 

Kristine:  Khi Douglas tham gia khóa huấn luyện trượt tuyết vào đầu những năm 1960 ở Chile và Argentina, ông ấy có cơ hội được tìm hiểu về Southern Cone. Đến đầu thập niên 90, tôi đã theo bước ông ấy và cả hai chúng tôi đều rất yêu thích vùng đất này, nhưng quan trọng hơn, chúng tôi được tận mắt chứng kiến sự đa dạng của cảnh quan, từ những khu rừng mưa ôn đới, hiện nay là Công viên quốc gia Pumalin Douglas Tompkins, đến những đồng cỏ rộng lớn của Patagonia. Thời gian gần đây, trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra nghiêm trọng, các vùng đất than bùn, đặc biệt là ở Tierra del Fuego của Chile và Argentina đã trở thành mục tiêu chính của chúng tôi. Một ví dụ điển hình là Bán đảo Mitre, nơi chiếm gần 84% diện tích đất than bùn của Argentina, đóng vai trò đặc biệt thiết yếu khi là điểm thu giữ cacbon quan trọng nhất trong nước.

Lewis: Hầu hết các chuyến thám hiểm Nam Cực của tôi đều phải đi qua Patagonia. Đó là nơi tôi tập luyện bơi trong nước lạnh lần cuối trước khi lên đường. Kênh Beagle là nơi lý tưởng để tập bơi ở Nam Cực. Nước lạnh như băng, nhưng chưa lạnh đến mức không thể tập luyện được. Đây là nơi có đồng băng Darwin, với những mỏm băng chạm ngưỡng mực nước biển trong các vịnh hẹp của cả Kênh Beagle và Eo biển Magellan.

Mỗi lần đi qua Patagonia, tôi đều tự nhủ rằng, mình cần dành nhiều thời gian hơn ở đây, một thiên đường nơi hạ giới! Tôi ủng hộ mạnh mẽ việc kết nối các khu bảo tồn trên đất liền và biển như kế hoạch được đề xuất thực hiện tại vùng đất than bùn trên Bán đảo Mitre. 

UNEP:  Trong tất cả những việc ông bà đã làm, điều gì đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất?

Kristine: Thật khó nói! Chắc chắn là lần quyên góp cuối cùng cho vườn quốc gia diễn ra cách đây 18 tháng ở Chile với khoản quyên góp bảo tồn lớn nhất trong lịch sử là một trong số đó, nhưng rất may, chúng tôi đã hoàn thành được hầu hết các mục tiêu bảo tồn quan trọng trong 28 năm qua. Tôi luôn tự hào về các đồng đội của mình và mối quan hệ tốt đẹp mà chúng tôi đã xây dựng được với chính phủ trong mọi trường hợp!

Lewis: Đó là lần tôi tham gia vào quá trình hỗ trợ thành lập Khu bảo tồn hải dương Biển Ross ở Nam Cực. Tôi đã từng bơi tại đây vào năm 2015, để làm nổi bật tầm quan trọng của việc bảo vệ vùng biển này, và đó cũng là lần khó khăn nhất của tôi – chưa kể là lạnh nhất! Sau đó, tôi đã phải di chuyển giữa các thủ đô khác nhau trong 2 năm cho đến khi thỏa thuận cuối cùng được thông qua. Đó là một việc thực sự tốn nhiều công sức. Nhưng Biển Ross là một trong những hệ sinh thái quan trọng nhất trên hành tinh. Với diện tích 1,5 triệu km2, Khu bảo tồn hải dương Biển Ross hiện là khu bảo tồn lớn nhất thế giới. Để dễ hình dung hơn, nếu so sánh, khu bảo tồn sẽ bằng tổng diện tích của cả Anh, Pháp, Đức và Ý. 

UNEP:  Làm thế nào những người bình thường có thể tự tìm cách tạo nên thay đổi quan trọng?

Kristine: Bước đầu tiên, và có lẽ là khó khăn nhất, chỉ đơn giản là quyết định tham gia vào phong trào để thay đổi mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên và hình thành những cộng đồng lành mạnh, uy tín hơn. Nếu không có cam kết này, chúng ta sẽ nhanh chóng trở về trạng thái bất động. 

Cũng giống như vạn vật trong cuộc sống, bạn phải đặt ra cam kết một điều gì đó và không bao giờ từ bỏ – trong trường hợp này, hãy ra khỏi giường mỗi ngày và làm một điều gì đó cho những điều bạn yêu thích, những điều bạn thực sự tin tưởng. Có hàng triệu cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn và tất cả đều là những con người rất đỗi bình thường, nhưng chúng tôi đều cam kết thực hiện nhiệm vụ của mình. Đã qua rồi cái thời chúng ta không làm gì cả và coi đó là điều hiển nhiên!

Lewis: Hãy bắt đầu bằng việc thu thập những kiến thức về môi trường, để bạn có thể hiểu được tác động từ hành vi của con người đối với thế giới xung quanh. Ví dụ, mỗi lần mua hàng, bạn đều đang đưa ra một quyết định về tương lai của chính con cái các bạn. Thực phẩm chúng ta ăn, quần áo chúng ta mặc, cách chúng ta đi lại, cách chúng ta xây dựng và sưởi ấm ngôi nhà của mình - tất cả đều có tác động đến môi trường. 

Theo tôi, dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên cũng là điều rất quan trọng. Chúng ta chỉ bảo vệ những thứ chúng ta yêu thích, và bạn không thể không yêu thế giới tự nhiên khi có cơ hội được chứng kiến vẻ đẹp diệu kỳ ấy.

UNEP:  Ông bà có dự định gì cho công việc tiếp theo?

Kristine: Chúng tôi có nhiều dự án mới đang được tiến hành để bảo vệ đất liền và biển ở Chile và Argentina, và tất nhiên, chúng tôi cũng khá bận rộn với những cam kết từ một số dự án trước đây.  Mọi người thường hỏi chúng tôi rằng: “Bạn sẽ làm gì tiếp theo?”, và tôi có thể chia sẻ với bạn rằng mức độ cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu và cuộc khủng hoảng tuyệt chủng vẫn đang dần tăng lên mỗi ngày. Điều này đã thôi thúc chúng tôi phải làm việc nhanh hơn nữa, trên quy mô lớn hơn và với quyết tâm cao hơn bao giờ hết. 

Lewis: Hiện tại, tôi và nhóm của tôi đang tập trung vào việc giúp xây dựng một mạng lưới các khu bảo tồn biển xung quanh Nam Cực, để bảo vệ khu vực khỏi loại hình đánh bắt công nghiệp quá mức đã tàn phá các đại dương khác và giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. 

Các khu bảo tồn này sẽ ở Đông Nam Cực, Biển Weddell và Bán đảo Nam Cực. Cùng với Khu bảo tồn hàng hải Biển Ross, những khu bảo tồn này sẽ bảo vệ hơn 4 triệu km2 diện tích đại dương dễ bị tổn thương. Hoạt động này cần rất nhiều nỗ lực và hoạt động ngoại giao đáng kể, vì 25 quốc gia quản lý Nam Cực đều phải cùng đồng ý. Nhưng tôi đã hạ quyết tâm phải bảo vệ bằng được vùng đất tuyệt diệu này của thế giới.