Sẵn sàng hành động: phục hồi các hệ sinh thái là nhu cầu cấp thiết

Từ các khu rừng, đất nông nghiệp đến nước ngọt, đại dương và vùng ven biển – sự sống và sự đa dạng của hệ sinh thái trên Trái đất chính là nền tảng tạo nên sự thịnh vượng và hạnh phúc của loài người. Tuy nhiên, chúng ta lại đang khiến những tài nguyên quý giá này suy thoái một cách đáng báo động. Chương trình Thập kỷ Khôi phục Hệ sinh thái của Liên Hợp Quốc là một cơ hội giúp xoay chuyển tình thế cũng như mang đến cho con người và thiên nhiên một tương lai bền vững.

Đại dương và vùng ven biển

Bảo vệ tài nguyên biển tránh khỏi tình trạng bị khai thác quá mức

Trái đất - ngôi nhà chung của chúng ta - là một hành tinh biển xanh với hơn 70% diện tích bề mặt là biển và các đại dương. Biển và đại dương nuôi sống chúng ta, điều hòa khí hậu và tạo ra phần lớn lượng oxy mà chúng ta hít thở. Chúng tạo nền tảng cho các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như du lịch và nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, chúng góp phần nuôi dưỡng sự đa dạng sinh học từ loài cá voi đến các sinh vật phù du trong nhiều môi trường sống từ các rạn san hô tại những vùng nước nhận nhiều ánh sáng mặt trời đến các đại dương ở vùng địa cực.

Dù có vai trò quan trọng như vậy, nhưng các đại dương và những vùng ven biển lại đang phải đối mặt với những mối đe dọa chưa từng có trước đây. Hàng triệu tấn rác thải nhựa đang đổ ra biển và các đại dương trên toàn thế giới và gây hại cho các loài sinh vật bao gồm chim biển, rùa và cua. Hiện tượng biến đổi khí hậu đang phá hủy các rạn san hô và những hệ sinh thái quan trọng khác. Rừng ngập mặn bị khai thác quá mức và thậm chí là bị phá bỏ để xây dựng trang trại nuôi thủy sản và phục vụ các hoạt động khác. Hoạt động đánh bắt quá mức đang đe dọa đến sự ổn định của nguồn cá, tình trạng ô nhiễm dinh dưỡng góp phần tạo ra các vùng biển chết và gần 80% lượng nước thải trên thế giới bị xả thẳng ra môi trường khi chưa qua xử lý.

Phục hồi các đại dương và vùng ven biển có nghĩa là giảm áp lực lên các hệ sinh thái này để chúng có đủ thời gian phục hồi, cả theo cách tự nhiên lẫn tái nuôi cấy giống hoặc cấy ghép các loài chủ chốt. Điều này cũng có nghĩa là nắm được cách làm sao để tăng cường tính thích ứng của các hệ sinh thái và cộng đồng trước tình trạng biến đổi toàn cầu. Chẳng hạn như, chính phủ và cộng đồng cần phát triển hoạt động đánh bắt cá theo hướng bền vững. Các chất gây ô nhiễm phải được xử lý trước khi chúng được xả thải ra đại dương và những chất thải rắn như nhựa cần phải được loại bỏ hoàn toàn. Hoạt động phát triển các thành phố ven biển cần đi đôi với công tác bảo vệ, chứ không phải là thay thế, những hệ sinh thái ven biển. Ngoài ra, chúng ta cũng cần quản lý một cách thận trọng và tích cực khôi phục các rạn san hô, rừng ngập mặn và các thảm cỏ biển để các đại dương có thể tiếp tục hỗ trợ sinh kế cho hàng tỷ người trên toàn cầu.

Hoang mạc & Vùng đồng cỏ

Quản lý sự cân bằng mong manh giữa nền nông nghiệp và vùng hoang dã

Hoang mạc là hệ sinh thái thường nằm trong vùng chuyển tiếp giữa sa mạc và rừng, vì vậy, chúng rất khô cằn và phụ thuộc vào lượng mưa theo mùa.  Đây là những hệ sinh thái có tầng ưu thế sinh thái là cỏ, nguồn – là nguồn thức ăn của các loài gia súc được chăn thả và động vật hoang dã, với từng lớp cây cỏ và cây bụi xen kẽ cách đều nhau.

Chúng chủ yếu phân bố tại châu Phi, Nam Mỹ và Bắc Mỹ, châu Á (Đông Nam Á & Ấn Độ) và Úc. Có năm loại hoang mạc chính: nhiệt đới và cận nhiệt đới, ôn đới, Địa Trung Hải, ngập nước và đồi núi. Hoang mạc là một trong những hệ sinh thái lớn nhất trên thế giới và chiếm khoảng 20% ​​diện tích đất liền trên toàn cầu. 

Các hoang mạc rộng lớn nhất với những vùng đồng cỏ quan trọng đều nằm ở Châu Phi. Hoang mạc mà chúng ta biết đến nhiều nhất đó là hoang mạc Maasai Mara và Serengeti nằm tại Đông Phi; đây thực sự là một hệ sinh thái tiếp giáp được phân chia bởi biên giới giữa Kenya và Tanzania. Nơi đây là mái nhà chung của các loài động vật cỡ lớn như sư tử, báo đốm, báo săn, hươu cao cổ, voi, tê giác, trâu, cá sấu và chim hoang dã, cũng như những loài cây lớn như cây keo và cây bao báp.

Các cộng đồng thực vật trên hoang mạc đều có tính thích nghi cao trước những sự xáo trộn như hỏa hoạn và thói quen ăn uống của các loài thú lớn, thú non hoang dã và thú ăn cỏ.  Một điều thú vị là lửa lại đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho cảnh quan hoang mạc luôn trong trạng thái cân bằng, với sự kết hợp xen kẽ của các lớp cây cỏ và cây bụi; góp phần giúp duy trì hệ sinh thái này là khu vực phân bố rộng lớn nhất của bất kỳ loại thảm thực vật nào trên hành tinh, từ đó phát triển các cộng đồng bản địa và những loài động vật hoang dã đặc trưng. Tuy nhiên, chúng đặc biệt nhạy cảm với sự suy thoái gây ra bởi sức ép từ con người và hiện tượng biến đổi khí hậu. 

Các tác nhân chính gây ra tình trạng suy thoái hoang mạc gồm: 1) chuyển đổi đất từ vùng ​​hoang dã sang đất nông nghiệp đối với các loại cây trồng như bông, lạc và ca cao; 2) mở rộng đô thị; 3) khai mỏ và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác; 4) loại bỏ người chăn nuôi gia súc khỏi các kế hoạch quản lý tích hợp. Hoạt động phát quang cây cối và đưa vào trồng các loài thực vật ngoại lai cũng là những tác nhân gây ra tình trạng này. Một mối đe dọa lớn khác đến từ các hoạt động biến đổi đất, chẳng hạn như chăn thả gia súc quá mức, vì chúng sẽ phá hủy thảm thực vật sống phụ thuộc trên đất và gây ra tình trạng xói mòn, cũng như hoạt động chuyển đổi sang đất nông nghiệp. Quá trình phá hủy và suy thoái của các hệ sinh thái như vậy có thể diễn ra rất nhanh; tuy nhiên, để hồi phục và khôi phục chúng sẽ cần một khoảng thời gian rất dài. 

Chương trình Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên Hợp Quốc mang đến nhiều cơ hội giúp giải quyết những tổn thất này thông qua một loạt các giải pháp phục hồi. Công tác quản lý bền vững các vùng hoang mạc phụ thuộc vào mối quan hệ mật thiết và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hệ thực vật (đặc biệt là đồng cỏ) và động vật ăn cỏ. Các giải pháp bảo vệ thiên nhiên như đốt và chặt cây theo quy định sẽ giúp khôi phục cấu trúc thảm thực vật và hồi sinh các loài thực vật thân thảo. Các hoạt động khác, chẳng hạn như loại bỏ những loài thực vật xâm lấn, sẽ cho phép hồi sinh các loài thực vật và cây đặc hữu, giúp cải thiện chất lượng đất. Các kỹ thuật khác tập trung vào hoạt động phục hồi đất bao gồm quá trình hồi sinh, phát triển và nhân rộng các mô hình quản lý bày đàn bền vững.

Rừng

Ngăn chặn nạn phá rừng khi phải đối mặt với các nhu cầu mang tính cạnh tranh

Rừng và cây cối biến Trái đất thành hành tinh có thể sinh sống được. Chúng cung cấp cho chúng ta không khí sạch và nước sạch. Bằng cách lưu trữ lượng lớn carbon và điều tiết khí hậu, chúng là một biện pháp bảo vệ quan trọng giúp chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu. Chúng là nơi quy tụ phần lớn sự đa dạng sinh học độc đáo trên hành tinh của chúng ta. Chúng cung cấp bóng mát, tạo ra hoạt động giải trí và mang đến cảm giác khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Và chúng hỗ trợ sinh kế của hàng tỷ người trên khắp thế giới.

Các hệ sinh thái rừng đang phải chịu áp lực nặng nề từ tình trạng gia tăng dân số và nhu cầu cần thêm đất đai và các nguồn tài nguyên. Tính trên toàn cầu, con người chúng ta đang xóa sổ khoảng 7 triệu hecta rừng nhiệt đới mỗi năm - một diện tích lớn tương đương với Ireland hay Sierra Leone - thường là để lấy đất sản xuất các loại hàng hóa nông nghiệp như dầu cọ và thịt bò. Phần nhiều trong số những khu rừng còn lại rơi vào tình trạng suy thoái vì hoạt động khai thác gỗ, đốn gỗ làm củi, gây ô nhiễm và sâu bệnh xâm lấn. Ngay cả cây cối bên ngoài rừng cũng đang dần biến mất để nhường chỗ cho việc xây dựng nhà cửa, đường sá, đê đập và thâm canh nông nghiệp. Các đám cháy rừng, ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu, có thể phá hủy hoàn toàn các hệ sinh thái rừng.

Hoạt động khôi phục các hệ sinh thái rừng bao gồm việc trồng lại cây tại khu vực đất rừng cũ và cải thiện tình trạng của các khu rừng bị suy thoái. Cùng với việc trồng các loài cây bản địa, hoạt động này còn bao gồm việc bảo tồn các loài động thực vật hoang dã cũng như bảo vệ đất và các nguồn nước thuộc hệ sinh thái rừng. Diện tích đất từng bị san bằng để làm trang trại nay bị bỏ hoang chính là khu vực lý tưởng để phục hồi rừng. Trong những khu rừng còn lại hiện nay, chúng ta có thể trồng các loài cây bản địa để giúp tái tạo lớp bìa rừng. Trong một số trường hợp, cây rừng sẽ tự mọc lại một cách tự nhiên. Công tác phục hồi rừng còn bao gồm việc nuôi dưỡng các mảng rừng và vùng rừng tại những khu vực có các trang trại và làng mạc sầm uất.

Đất than bùn

Bảo vệ nguồn dự trữ carbon mặt đất lớn nhất thế giới

Phân bổ tại hơn 180 quốc gia, đất than bùn là hệ sinh thái siêu mạnh mẽ với vai trò vô cùng quan trọng. Mặc dù chúng chỉ chiếm 3% diện tích đất liền trên thế giới, nhưng chúng dự trữ gần 30% lượng carbon trong đất.Chúng có các chức năng quan trọng như kiểm soát nguồn nước, ngăn chặn lũ lụt và hạn hán và cung cấp thực phẩm và nhiên liệu cho nhiều người. Đây cũng là nơi sinh trưởng của những loài thực vật và động vật quý hiếm chỉ có thể sống sót trong những môi trường sũng nước độc nhất này.

Dù có vai trò quan trọng như vậy, nhưng các vùng đất than bùn trên khắp thế giới đang bị khai thác kiệt quệ và chuyển đổi thành đất nông nghiệp, phục vụ hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác mỏ và thăm dò dầu khí. Các vùng đất bùn cũng đang bị thoái hóa do hỏa hoạn, hoạt động chăn thả gia súc quá mức và khai thác đất than bùn làm nhiên liệu và lấy đất trồng cây. Mặc dù chỉ chiếm 0,4% diện tích đất liền trên toàn cầu, nhưng các vùng đất than bùn bị vắt kiệt đang tạo ra hơn 5% lượng khí thải carbon trên thế giới, và tỷ lệ này còn cao hơn nữa khi chúng bị đốt cháy.

Để có thể đạt được mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu dưới 2˚C, đòi hỏi chúng ta phải có hành động cấp bách để lưu trữ lượng carbon trong đất than bùn ẩm, nằm trong lòng đất. Đồng thời, chúng ta phải tái cấp ẩm và khôi phục nhiều vùng đất than bùn đã bị vắt kiệt và thoái hóa để ngăn chặn lượng khí thải nhà kính và bảo vệ các nguồn lợi khác mà chúng mang lại. Hoạt động bảo vệ và khôi phục vùng đất than bùn có thể là một giải pháp bảo vệ thiên nhiên có chi phí thấp, sử dụng ít công nghệ nhưng lại tác động lớn đến cả hành động bảo vệ hậu và sự đa dạng sinh học.

 

Vùng núi

Bảo vệ vùng núi dễ bị tổn thương cũng như các chức năng quan trọng của chúng

Khu vực vùng núi chiếm khoảng một phần tư diện tích đất liền trên Trái đất, nơi có hầu hết các điểm nóng đa dạng sinh học và ước tính cung cấp nguồn nước ngọt cho một nửa nhân loại. Hiện diện trên khắp mọi lục địa, khu vực vùng núi có vô số hệ sinh thái với rất nhiều loài sinh vật độc đáo như báo tuyết và khỉ đột núi. Đây cũng là mái nhà chung cho sự đa dạng văn hóa giữa các dân tộc có thể thích nghi để sinh sống tại những khu vực núi cao. Truyền thống độc đáo của các dân tộc miền núi và cảnh quan tráng lệ nơi đây đã thu hút lượng khách du lịch ngày càng tăng.

Các vùng núi đặc biệt nhạy cảm với sự suy thoái gây ra bởi sức ép từ con người và hiện tượng biến đổi khí hậu. Đối với các sườn dốc đứng, hoạt động phá rừng để canh tác, định cư hoặc phát triển cơ sở hạ tầng có thể gây ra tình trạng xói mòn đất nghiêm trọng cũng như phá hủy môi trường sống. Hiện tượng xói mòn và ô nhiễm sẽ làm tổn hại đến chất lượng nước chảy xuống vùng hạ lưu. Hiện tượng biến đổi khí hậu đang đe dọa đến khối lượng nước và thời gian cấp nước cho các trang trại, thành phố, ngành công nghiệp và các nhà máy điện. Nhiệt độ tăng nhanh đang buộc các loài sinh vật và hệ sinh thái trên núi, cũng như những người sống phụ thuộc vào chúng phải tìm cách thích nghi hoặc di cư.

Công tác khôi phục hệ sinh thái vùng núi cần phải cân nhắc tới toàn bộ cảnh quan. Các giải pháp bảo vệ thiên nhiên bao gồm tăng độ che phủ rừng để có thể bảo tồn đất, bảo vệ dòng nước và phòng tránh các thiên tai như tuyết lở, sạt lở đất và lũ lụt. Cần quy hoạch cơ sở hạ tầng như đê đập và đường sá nhằm tránh tình trạng phân mảnh các con sông và những môi trường sống khác. Các kỹ thuật canh tác như nông lâm kết hợp có thể mang lại tính thích nghi cao hơn trước tình hình biến đổi của thời tiết. Kiến thức bản địa có thể là một nguồn lực quan trọng giúp sử dụng tài nguyên thiên nhiên theo hướng bền vững.

 

 

Đất nông nghiệp

Khôi phục đất đai để đảm bảo nguồn lương thực cho tất cả mọi người

Các vùng đất canh tác hiện chiếm hơn một phần ba diện tích đất trên bề mặt Trái đất và có lẽ là nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng nhất của chúng ta. Bên cạnh việc cung cấp cho chúng ta thức ăn, cỏ và vải sợi, những cánh đồng trồng trọt và vùng đất chăn thả cũng chính là nơi sinh sống của rất nhiều loài sinh vật từ dơi, chim đến bọ cánh cứng và sâu bọ cũng như là nơi có lượng cây che phủ đáng kể. Sau nhiều thế kỷ nỗ lực cùng với sự khéo léo của con người, những hệ sinh thái được cải tạo này chính là kho tàng văn hóa mà việc bảo vệ chúng đóng vai trò quan trọng cả về đời sống tinh thần cũng như kinh tế.

Tuy nhiên, cách chúng ta sử dụng những vùng đất này, từ việc xây dựng các khu vực độc canh rộng lớn cho đến những bãi chăn thả trải dài, đang dần vắt kiệt sức sống của chúng. Hoạt động cày xới, trồng trọt quá mức và dỡ bỏ hàng rào và chặt phá cây cối đã tạo cơ hội cho mưa gió làm xói mòn nguồn đất quý giá này. Lượng phân bón dư thừa đang gây ô nhiễm mạch nước và làm giảm chất lượng đất. Thuốc trừ sâu đang gây hại cho các loài động vật hoang dã bao gồm cả côn trùng như ong thụ phấn cho nhiều loại cây trồng. Hoạt động chăn thả quá mức khiến các vùng đồng cỏ rơi vào tình trạng bị xói mòn và dẫn đến sự phát triển các loài thực vật xâm lấn.

Các nhà khoa học đang giúp cộng đồng nông thôn khôi phục hệ sinh thái nông nghiệp bằng cách sử dụng giải pháp tự nhiên để tăng năng suất canh tác. Một số nông dân đang giảm diện tích đất canh tác và sử dụng nhiều loại phân bón tự nhiên và kiểm soát sâu bệnh gây hại. Việc trồng xen kẽ nhiều loại cây trồng khác nhau, bao gồm cả cây thân gỗ, có thể giúp khôi phục sự đa dạng sinh học và mang đến chế độ ăn uống nhiều dinh dưỡng hơn. Khi được quản lý cẩn thận, những đàn gia súc nhỏ thực sự có thể giúp tăng thu nhập.  Tất cả các bước hành động này có thể giúp hồi sinh nguồn đất, tái phát triển các vùng dự trữ carbon hữu cơ và vi sinh vật ngậm nước cũng như duy trì độ phì nhiêu tự nhiên của đất. 

Nước ngọt

Củng cố nguồn tài nguyên sống còn, dễ tổn thương nhất của Trái đất

Các hệ sinh thái nước ngọt cung cấp nguồn thực phẩm, nước và năng lượng cho hàng tỷ người, bảo vệ chúng ta trước tình trạng hạn hán và lũ lụt, cũng như cung cấp môi trường sống độc đáo cho nhiều loài động thực vật, bao gồm một phần ba các loài động vật có xương sống. Các hệ sinh thái này bao gồm rừng ngập mặn che chắn bờ biển nhằm giúp chúng ta chống lại sóng thần và tình trạng xói mòn; các hồ và sông sâu trong đất liền chứa đầy cá, và các vùng đất ngập nước có khả năng lọc và điều tiết dòng chảy đồng thời dự trữ một lượng lớn carbon.

Các hệ sinh thái nước ngọt đang bị suy thoái hết sức trầm trọng. Chúng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm do hóa chất, rác thải nhựa và nước thải cũng như hoạt động đánh bắt quá mức và khai thác nước quá mức để phục vụ hoạt động tưới tiêu cho cây trồng, tạo ra năng lượng và cung cấp cho ngành công nghiệp và các hộ gia đình. Các con sông phải chịu thêm ảnh hưởng từ việc xây dựng đê đập, kênh đào và hoạt động khai thác cát sỏi. Các vùng đất ngập nước đang bị rút cạn để phục vụ cho hoạt động nông nghiệp, với khoảng 87% diện tích đã biến mất trên toàn cầu trong 300 năm qua và hơn 50% diện tích đã biến mất kể từ năm 1900. Một phần ba loài sinh vật nước ngọt đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Công tác bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái nước ngọt bao gồm việc cải thiện chất lượng nước, chẳng hạn như bằng cách xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường chẳng hạn. Hoạt động đánh bắt cá và khai khoáng phải được kiểm soát. Có thể dỡ bỏ các con đập hoặc thiết kế tốt hơn để khôi phục sự kết nối sông ngòi, đồng thời cần quản lý hoạt động khai thác nguồn nước để duy trì lưu lượng tối thiểu. Việc trả lại dòng nước vào vùng đất than bùn và những vùng đất ngập nước khác cho đến khi đạt mức tự nhiên sẽ giúp khôi phục khả năng ngăn chặn lượng carbon lưu trữ thải vào khí quyển.

 

Khu vực đô thị

Học cách sống chung với thiên nhiên tại các thành phố và thị trấn

Khu vực đô thị chiếm ít hơn 1% diện tích bề mặt Trái đất nhưng lại nơi sinh sống của hơn một nửa dân số toàn cầu. Dù là nơi ngổn ngang các tòa nhà bê tông cốt thép, đông đúc và có mạng lưới giao thông chằng chịt, các thành phố và đô thị vẫn là những hệ sinh thái góp phần lớn tạo nên chất lượng cuộc sống của chúng ta. Thực hiện chức năng hệ sinh thái đô thị giúp làm sạch bầu không khí và nguồn nước, làm dịu các đảo nhiệt đô thị và hỗ trợ khỏe của con người bằng cách bảo vệ chúng ta tránh khỏi những mối nguy hại và tạo cho chúng ta cơ hội để nghỉ ngơi và vui chơi. Chúng cũng có thể sở hữu mức độ đa dạng sinh học đáng ngạc nhiên.

Các hệ sinh thái đô thị đại diện cho sự thay đổi căn bản của những khu vực tự nhiên mà chúng đã thay thế và thường đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Hoạt động quy hoạch kém hiệu quả sẽ làm hạn chế nguồn đất và chỉ để lại một diện tích nhỏ cho thảm thực vật giữa khu vực lớn nhà cửa, đường sá và nhà máy. Chất thải và khí thải từ hoạt động công nghiệp, giao thông và các hộ gia đình gây ô nhiễm đường thủy, đất đai và không khí. Việc mở rộng đô thị mất kiểm soát đang “bóp nghẹt” nhiều môi trường sống tự nhiên và vùng đất nông nghiệp màu mỡ.

Công tác khôi phục các hệ sinh thái đô thị đòi hỏi sự nhận thức và cam kết cả từ phía người dân và phía lãnh đạo có vai trò ra quyết định. Không gian xanh cần được đặt làm trọng tâm trong quá trình quy hoạch đô thị. Các nhóm dân sinh và chính quyền thành phố có thể làm sạch hệ thống đường thủy, trồng cây xanh, phát triển rừng cây đô thị và tạo môi trường sống hoang dã trong công viên, trường học và các không gian công cộng khác. Vỉa hè thấm nước và các vùng đất ngập nước đô thị có thể giúp phòng tránh tình trạng lũ lụt và ô nhiễm. Có thể cải tạo các khu công nghiệp bị ô nhiễm thành khu bảo tồn thiên nhiên đô thị và làm nơi vui chơi giải trí.