Đã đến lúc ngăn chặn tội ác đối với động thực vật hoang dã

Ian Somerhalder

Bạn đã từng nghe đến tê tê chưa? Thực tế, có rất nhiều người chưa bao giờ nghe đến loài vật này.

Tê tê là động vật nhỏ, có vú, sống về đêm và rất nhút nhát. Hầu như không có vườn thú nào trên thế giới có thể nuôi thành công một con tê tê. Đáng buồn nhất là, tê tê luôn đứng đầu các bảng xếp hạng động vật bị buôn bán bất hợp pháp, trên cả voi và tê giác.

Tê tê đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng. Dù không phải đối mặt với tình trạng đáng buồn này, tê tê vẫn xứng đáng nhận được nhiều sự quan tâm hơn bởi tính đặc biệt của loài này: toàn thân bao phủ bởi một lớp vảy, đầu hơi nhọn, trông rất giống một chú khủng long mini; tê tê mẹ thường cõng con trên đuôi; tê tê dùng lưỡi dài đến 30cm để thọc sâu vào tổ kiến và kiếm thức ăn; và chúng có thể cuộn tròn mình lại như một quả bóng cứng cáp – giúp tự bảo về khỏi sự tấn công của bất cứ loài thú ăn thịt nào.

Nhưng với con người thì không.

Tê tê bị săn bắt trên quy mô công nghiệp để lấy thịt và vảy. Mỗi năm, hàng ngàn con tê tê – còn sống hay đã chết – được vận chuyển trái phép vào Trung Quốc và Việt Nam, những nơi coi thịt của chúng là một món ăn đắt đỏ. Hàng tấn vảy của chúng – tạo ra từ chất sừng giống như móng tay của bạn – được nghiền nhỏ và sử dụng trong y học cổ truyền. Một số quần thể tê tê ở châu Á đã bị tuyệt chủng, và nạn săn bắt trộm và buôn lậu tê tê từ châu Phi đang tăng lên.

Chúng ta cần phải hành động ngay, không chỉ vì tê tê mà còn vì hàng ngàn loài khác đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng. Chúng ta cần phải hành động ngay, bởi vì tội ác đối với động thức vật hoang dã trên toàn thế giới đang tăng lên từng ngày.

Hàng ngàn con voi, tê giác và hổ đã và đang bị giết để lấy ngà, sừng và da. Một số lượng khổng lồ các loài vẹt, loài chim khác và loài bò sát bị săn bắt trái phép và buôn lậu trên thế giới để bán làm thú nuôi. Những loài khác như đười ươi, rùa biển, hoa lan quý hiếm và cây gỗ cẩm lai cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Không chỉ vậy, đánh bắt cá bất hợp pháp cũng là một tội ác.

Vậy những tội ác kể trên mang lại lợi ích cho ai? Mạng lưới kinh doanh động vật hoang dã bất hợp pháp! Với giá trị lên đến 15, 20 tỷ đô la mỗi năm, hoạt động phi pháp này được xếp ngang hàng với buôn bán ma túy, vũ khí và buôn người.

Có nhiều lý do để bạn cảm thấy phẫn nộ về việc này.

Tội ác đối với động vật hoang dã đang làm xói mòn sự đa dạng sinh học quý giá của hành tinh và sự ổn định của hệ sinh thái.  Nó cướp đi di sản thiên nhiên của mỗi quốc gia đồng thời lấy trộm tài sản của các cộng đồng địa phương rất cần những nguồn này để xây dựng các doanh nghiệp du lịch. Nó thúc đẩy sự tham nhũng và làm suy giảm thẩm quyền của chính phủ. Các liên minh tội phạm có tổ chức đang tham gia vào việc này ngày càng nhiều, làm lan truyền bạo lực và sự bất an.

Chúng ta phải cùng nhau chấm dứt tình trạng này! Đây cũng là lý do mà tôi ủng hộ chiến dịch của Liên Hợp Quốc đang thực hiện: tập hợp tất cả những ai đang hành động để chống lại mối đe dọa này. Đây không phải chỉ là trách nhiệm của riêng các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các nhóm hoạt động vì bảo tồn và Interpol. Đây là trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta. Tôi và bạn, bằng cách này hay cách khác, phải cùng nhau chống lại việc buôn bán động thực vật hoang dã bất hợp pháp dưới mọi hình thức.  

Chiến dịch "Hòa mình vào Cuộc sống Hoang dã" hướng đến việc nâng cao nhận thức về tội ác đối với động vật hoang dã và kêu gọi hành động từ cộng đồng. Hành động ở đây là mua sắm có ý thức hơn, nói không với các sản phẩm nguồn gốc bất hợp pháp. Hành động ở đây là không nuôi nhốt động vật đã bị bắt bất hợp pháp từ tự nhiên. Và hành động ở đây là hỗ trợ các chiến dịch bảo tồn, vận động chính sách với chính quyền sở tại nhằm chống lại hoạt động thương mại bất hợp pháp này.

Điều vô cùng rõ ràng là chúng ta cần phải đổi mới tư duy toàn cầu mới có thể thay đổi được tình trạng này.

Xin hãy cùng tôi truyền đi một thông điệp với bạn của bạn, người thân của bạn: “không khoan nhượng” trước tội ác đối với động vật hoang dã. Mỗi người chung ta luôn tìm ra được một cách riêng mỗi khi đối mặt với khó khăn, thử thách. Vì vậy, tôi tha thiết các bạn, hãy cùng tôi tìm ra nguồn cảm hứng của mình, và hành động. Ngày hôm nay, tôi muốn sử dụng sức ảnh hưởng của mình đê góp phần thay đổi tình trạng đáng buồn của tê tê.

Tại kỳ họp của Công ước về Buôn bán Quốc tế Các loài Động vật và Thực vật Hoang dã có Nguy cơ Tuyệt chủng (CITES) vào tháng chín năm ngoái, các nước trên khắp thế giới đã cam kết tuyệt đối cấm việc buôn bán quốc tế tất cả các loài tê tê từ châu Phi đến châu Á. Một yếu tố giúp thúc đẩy các nước đưa ra quyết định này chính là dư luận và sự vận động của công chúng.

Cùng nhau hành động, chúng ta sẽ tạo ra được một tiếng nói chung đủ lớn để đảm bảo loài vật ít được biết đến nhưng thú vị này – và nhiều loài khác nữa – không trở thành một niềm tiếc nuối lớn khác của nhân loại; niềm tiếc nuối mỗi khi có thêm một loại bị tuyệt chủng chỉ vì tính tham lam và sực bất lực của mỗi chúng ta.

 

Ian Somerhalder là một Đại sứ Thiện chí của Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc.