Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (United Nations Environment Programme, hay UNEP) là tiếng nói hàng đầu về môi trường của Liên Hiệp Quốc và đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã bằng cách cung cấp kiến thức khoa học tốt nhất hiện có về vấn đề này. Về cơ bản, sứ mệnh này bao gồm việc tăng cường năng lực cấp quốc gia để cùng chung tay hành động như một cộng đồng chung, nhằm giải quyết các mối đe dọa từ việc buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã, cũng như việc trao quyền hành động cho nhiều bên liên quan khác.
Cùng với CITES, UNDP, UNODC và UNEP thiết lập nên cơ sở cho các nỗ lực úng phó của LHQ đối với hiểm họa này, đồng thời đóng vai trò Ban Thư ký cho một số hiệp định, công ước cấp quốc tế và cấp khu vực, như Công ước CITES, Công ước về Đa dạng Sinh học (Convention on Biological Diversity hay CBD), Công ước về Các loài Di cư (Convention of Migratory Species hay CMS), và nhiều Công ước Biển Khu vực.
Những Công ước này mang đến một diễn đàn để chúng ta, với tư cách là cộng đồng nhiều quốc gia, thực hiện các nỗ lực chung để giải quyết vấn đề buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã. UNEP cũng đã thành lập Ban Thư ký cho Hiệp hội về Sự sống của các Loài Khỉ lớn (Great Apes Survival Partnership hay GRASP) và Quỹ Voi châu Phi (African Elephant Fund).
Ngoài ra, UNEP cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, khoa học và giám sát việc buôn bán cho Ban Thư ký Công ước CITES thông qua Trung tâm Giám sát Bảo tồn quốc tế của UNEP (World Conservation Monitoring Centre hay WCMC). Trung tâm này giám sát một cơ sở dữ liệu về các loài và hoạt động buôn bán với hơn 16 triệu hồ sơ.
Một kế hoạch ứng phó mang tính toàn diện, hợp tác trên toàn cầu là một phần quan trọng của cuộc chiến chống buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã. Kết quả hoạt động của UNEP có sự tiến bộ đáng kể trong việc thu hút sự tham gia và hỗ trợ của toàn cầu cho cuộc chiến chống buôn bán trái phép động vật hoang dã.