Buôn bán Bất hợp pháp là gì?
Các hoạt động buôn bán quốc tế những loài vật bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước về Buôn bán quốc tế các loài Động vật và Thực vật hoang dã nguy cấp (Convention on International Trade in Endangered Species of Wildlife Fauna and Flora hay CITES). Công ước hướng tới việc đảm bảo rằng việc buôn bán quốc tế các động vật và thực vật hoang dã diễn ra một cách hợp pháp, bền vững, nằm trong sự quản lý, theo dõi và không gây tổn hại đến sự tồn tại của các loài trong tự nhiên.
Tuy nhiên, hoạt động buôn bán động, thực vật hoang dã bất hợp pháp không giới hạn chỉ ở việc buôn bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Việc buôn bán gỗ, củi và than củi xuất phát từ việc khai thác gỗ bất hợp pháp, hoặc buôn bán cá được đánh bắt trong khu vực bị hạn chế hay sử dụng phương pháp bất hợp pháp là các ví dụ nằm trong khái niệm hoạt động buôn bán động, thực vật hoang dã bất hợp pháp. Một điều quan trọng khác cần lưu ý là việc buôn bán động, thực vật hoang dã bất hợp pháp cũng có nghĩa là buôn bán trong nước, vì nhiều quốc gia đã ban hành quy định cấp quốc gia về vấn đề này.
Thật không may là hoạt động buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã với quy mô lớn coi thường luật pháp và đang phát triển mạnh. Điều này có nghĩa là khi con người mua các sản phẩm từ động vật hay thực vật mà có nguồn gốc từ việc giết hại hoặc khai thác các loài bất hợp pháp, họ đang đồng lõa trong việc phạm tội đối với động, thực vật hoang dã, dù vô tình hay cố ý.
Tại sao có quá nhiều loài vật có nguy cơ tuyệt chủng?
Thế giới đang phải đối phó với một mối đe dọa chưa từng có đối với động, thực vật hoang dã. Môi trường sống của chúng bị mất do canh tác nông nghiệp, khai thác mỏ và các dự án phát triển, làm thu hẹp đáng kể không gian thiên nhiên dành cho động, thực vật hoang dã. Việc mất môi trường sống, sự biến đổi khí hậu và nguồn cầu vô độ đối với sản phẩm động vật thực hoang dã, trong nhiều trường hợp từ nguồn cung bất hợp pháp từ các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, đang kết hợp tạo ra một tác động tiêu cực ở cấp độ lớn đối với các vùng biển, thảo nguyên, rừng và đồng bằng trên thế giới.
Hậu quả chúng ta đã thấy là thảm họa 100.000 con voi bị giết chỉ giữa những năm 2010 - 2012, và có đến 3 con tê giác bị săn trộm mỗi ngày trong cùng thời kỳ. Những ghi nhận về sự tuyệt chủng của loài ở các vùng khác nhau hiện được công bố hàng năm, và giờ đây tê tê được cho là động vật có vú bị buôn bán bất hợp pháp nhiều nhất trên thế giới. Điều này tạo một gánh nặng lớn lên các quốc gia phân bố, nơi mà những loài này sinh sống tự nhiên, do phải tăng cường nỗ lực bảo vệ chúng trong khi các nguồn lực quốc gia có thể đã gần cạn kiệt.
Tại sao nguồn cầu đối với động, thực vật hoang dã lại cao đến vậy?
Đây là vấn đề mang tính di sản, văn hóa, truyền thống và lịch sử đối với các sản phẩm động, thực vật hoang dã như ngà voi và sừng tê giác ở một số nơi trên thế giới. Trong nhiều thế kỷ, các mặt hàng này đã được sử dụng ở một số nơi để làm các biểu tượng tôn giáo, thuốc chữa bệnh và để thể hiện tính nghệ thuật, sự sáng tạo thông qua các tác phẩm chạm khắc tinh xảo. Trong lịch sử gần đây, chúng đã được sử dụng cho các mặt hàng thiết thực như bóng bi-a, con dấu tên, phím đàn piano, các bộ phận của nhạc cụ và để trang trí súng.
Ngày nay, động, thực vật hoang dã và các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã được người tiêu dùng sử dụng để chứng tỏ sự sành điệu về thời trang, làm biểu tượng cho đẳng cấp, để làm thú nuôi, đồ ăn sang trọng hay quà tặng, cũng như được các nhà sưu tầm và nhà đầu tư mua bán trên thị trường hàng hóa nguyên liệu để kiếm lời.
Việc buôn bán trái phép không chỉ đe dọa sự tồn tại của các loài mà còn làm suy yếu sự phát triển và sinh kế của cộng đồng địa phương. Ví dụ, việc buôn bán bất hợp pháp các loài thực vật quý hiếm như gỗ cẩm lai không chỉ phá hoại cảnh quan của một khu rừng xinh đẹp, mà còn làm mất đi các cơ hội việc làm từ việc buôn bán gỗ hợp pháp, góp phần tiếp tay cho tham nhũng,dẫn đến thất thoát doanh thu từ việc buôn bán hợp pháp cho nhà nước.
Khi dân số loài người của chúng ta tiếp tục tăng trưởng và nguồn cầu đối với những loại sản phẩm này ngày càng tăng, chúng ta có trách nhiệm nhận thức tốt hơn và đưa ra các lựa chọn thông minh mà không đe dọa sự sống còn và môi trường sống của các loài hoặc làm suy yếu sự phát triển bền vững.
Chúng ta có thể làm gì?
Hoạt động buôn bán này phát triển mạnh do sự thiếu hiểu biết, thiếu quan tâm và coi thường pháp luật. Nhưng khi càng biết nhiều thì sẽ càng thấy những quyết định của chúng ta có một tác động lớn đến động, thực vật hoang dã, con người và hành tinh như thế nào. Tin tốt là chúng ta thực sự có thể chấm dứt buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã bằng cách:
- Nâng cao Nhận thức về tình trạng của động, thực vật hoang dã và các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã
- Hỗ trợ chính phủ và cộng đồng địa phương để giải quyết việc buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã
- Hướng dẫn và khuyến khích những người khác để có nhận thức tốt hơn
- Báo cáo qua các phương tiện công nghệ di động và đường dây nóng trong nước khi chứng kiến các trường hợp phạm tội
- Có các hành động tại cộng đồng địa phương để giảm thiểu xung đột giữa con người và động, thực vật hoang dã đối với đất đai và các nguồn tài nguyên
- Có các lựa chọn cá nhân mà không đe dọa đến các loài, ví dụ như không mua các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã đang được bảo vệ bởi pháp luật và ủng hộ sản phẩm của các công ty đang dùng chuỗi cung ứng bền vững và có các chính sách có trách nhiệm với môi trường.
Chiến dịch này là một phần của một chương trình đầy tham vọng do Liên Hiệp Quốc thực hiện, nhận thức rằng rằng tội phạm đối với động, thực vật hoang dã là loại hình tội phạm nghiêm trọng, đe dọa tới sự phát triển bền vững chung. Chương trình Nghị sự đến năm 2030 của LHQ đặt ra Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (Sustainable Development Goals hay SDG), trong đó tập trung vào việc bảo vệ sự toàn vẹn của hệ sinh thái thông qua các nỗ lực nhắm tới đối tượng tội phạm môi trường trên cả đất liền cũng như trên biển, cụ thể như sau:
- SDG14: “Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và tài nguyên biển để phát triển bền vững”. Mục tiêu này kêu gọi chấm dứt hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo; và các phương pháp đánh bắt cá có tính hủy hoại tới môi trường.
- SDG15: “Bảo vệ, phục hồi và thúc đẩy việc sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn, quản lý rừng bền vững, chống sa mạc hóa, ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái đất và chấm dứt sự mất đa dạng sinh học.”
Một trong các mục tiêu của SDG 15 là “Hành động khẩn cấp để chấm dứt nạn săn trộm và buôn bán trái phép các loài thực vật và động vật được bảo vệ, bao gồm việc giải quyết cả vấn đề cung và cầu các sản phẩm động, thực vật hoang dã bất hợp pháp.”
Bạn có thể góp phần làm nên thành công của những mục đích và mục tiêu SDG này.
Cuộc chiến ngăn chặn việc buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã sẽ rất khó khăn. Nhưng đó là trận chiến mà chúng ta có thể chiến thắng.
Dưới đây là những gì mà LHQ và các tổ chức khác đang thực hiện: Các biểu tượng logo mà kết nối đến văn bản giới thiệu của từng tổ chức.
- Nhiều Chính phủ đã cam kết mạnh mẽ để giải quyết cuộc khủng hoảng này theo các mục tiêu hành động được thỏa thuận trong các Mục tiêu phát triển bền vững
- Giữ vai trò liên kết giữa các quốc gia, hỗ trợ các Chính phủ trong việc phát triển các chiến lược để chống tội phạm về động, thực vật hoang dã;
- Hành động để hỗ trợ các khu bảo tồn, cộng đồng và khu bảo tồn quốc gia, xây dựng năng lực thực thi pháp luật cho các quốc gia
- Phối hợp với các cơ quan chủ quản cấp quốc gia liên quan đến việc đấu tranh chống nạn săn trộm và buôn bán động, thực vật hoang dã bất hợp pháp như hải quan, công an, kiểm lâm, và cơ quan quản lý, bảo vệ, bảo tồn động, thực vật hoang dã.
Hãy cùng sử dụng phạm vi ảnh hưởng của chúng ta để giáo dục, chia sẻ và thúc đẩy nhiều hành động hơn nữa